Interview Tuổi Trẻ | April 26th

 

​Tôn Thất An: Hành trình về “miền thương”!

TT – Tôn Thất An (nghệ danh quốc tế Aaken) là một cái tên không mấy quen thuộc với khán giả Việt. 

Tôn Thất An biểu diễn piano và hát những ca khúc của mình trong chương trình giao lưu tại TP.HCM ngày 21-4 – Ảnh: Thuận Thắng

Nhưng nếu là một người yêu thích múa, bạn có thể đã gián tiếp “làm quen” với anh thông qua phần âm nhạc từng được sử dụng trong các vở múa:Chuyện kể những chiếc giày, Sương sớm

Buổi biểu diễn và gặp gỡ với nhạc sĩ Tôn Thất An diễn ra tại Nhạc viện TP vào một chiều cuối tháng 4 theo cách thật lạ lùng! Trên sân khấu không có một băngrôn quảng cáo nào, không ai biết buổi biểu diễn tên gì, ai là Tôn Thất An?

Chỉ biết trước giờ diễn gần một giờ, có một người đàn ông với gương mặt điện ảnh ngồi say sưa bên chiếc piano, cùng luyện tập với các nghệ sĩ đàn cello, violon, saxophone… Anh rất kiệm lời và tỏ ra hơi căng thẳng! Ðây là buổi biểu diễn đầu tiên của Tôn Thất An tại Việt Nam sau đúng 45 năm xa xứ…

Tôi biết có ngày mình sẽ trở về

“Tôn Thất An là một trong những gương mặt châu Á nổi bật của thế giới ở dòng nhạc trip-hop. Khi buổi biểu diễn của anh kết thúc, rất nhiều SV đã nhắn tin, email cho tôi nói họ đã được truyền cảm hứng để vững tin vào việc chọn lựa con đường âm nhạc khó khăn này… Tôi muốn các em hiểu rằng: chỉ cần đam mê và kiên trì, những nghệ sĩ Việt Nam vẫn có thể tạo nên kỳ tích tại thị trường quốc tế, tôi muốn các em tự hào và biết thêm nhiều gương mặt tài năng thật sự giống như những gì Tôn Thất An đã làm được”. 

Thạc sĩ – NSƯT HOÀNG ĐIỆP
(trưởng khoa nhạc nhẹ và âm nhạc công nghệ Nhạc viện TP)

Là một buổi giao lưu với các sinh viên nhạc viện, thế nên hầu hết người đến nghe nhạc của Tôn Thất An đều còn rất trẻ. Các bạn nữ đã ồ lên kinh ngạc khi con người cũng rất trẻ trung ấy cất giọng ngọng nghịu, đặc sệt… tiếng Huế: “An sinh ra ở Paris nhưng ba mẹ An gốc Huế! Uhm, năm nay anh 45 tuổi rồi!”.

Và có thể nói chuyện không phải là sở trường của người nhạc sĩ này, nên ngay sau đó anh xin phép được “nói chuyện bằng âm nhạc” với một bản piano mang tên Mùa xuân.Ðó là một bản nhạc dịu nhẹ, khơi gợi những ký ức xa xôi…

Hỏi chuyện Tôn Thất An sau đó mới biết:Mùa xuân là món quà anh viết dành cho mẹ khi bà đã bước vào những năm tháng cuối đời, bị mắc chứng Alzheimer, khi quên khi nhớ.

“Bà từng là một phóng viên của BBC tại Pháp, cũng là một dịch giả chuyển ngữ rất nhiều cuốn sách tiếng Pháp qua tiếng Việt, và ngược lại. Nhờ có mẹ, tôi được tiếp xúc với sách vở từ rất sớm. Ðó cũng là lý do ngoài chuyện viết nhạc, tôi cũng đã từng dàn dựng các tác phẩm của Molière, Oscar Wilde, Gogol…trên sân khấu đương đại” – anh kể.

Riêng với người cha – nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, ông chính là người đã dìu dắt con trai những bước chập chững đến với âm nhạc và truyền cho anh một nhạc cảm tuyệt vời đối với âm nhạc dân tộc… Năm 22 tuổi, Tôn Thất An lần đầu tiên thể hiện ngón đàn piano của mình trong hai bộ phim Mùi đu đủ xanh Cyclo của đạo diễn Trần Anh Hùng do cha anh viết nhạc.

Không những truyền cho con trai sự đam mê, tận tụy với nghệ thuật, cha mẹ cũng đã cho anh một tuổi thơ tuyệt vời, để từ đó dù An có nói tiếng Pháp, tiếng Anh như gió vẫn không bao giờ bỏ được giọng Huế dễ thương mỗi khi nói tiếng Việt.

Ðể từ đó những câu chuyện cổ tích Việt Nam mẹ vẫn rủ rỉ bên tai ngày ấu thơ trở thành chất liệu để anh viết bản giao hưởng Huyền thoại Thánh Gióng (The legend of Thanh Giong) cho buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Berlin tại Ðức với tất cả niềm xúc động.

Năm 1990, lần đầu tiên Tôn Thất An được theo gia đình về Huế thăm bà con, họ hàng. “Sáng ngủ dậy, mượn xe đạp của bà nội, tôi đạp xe lòng vòng đi mua tờ báo, mua đồ ăn sáng, tự nhiên trong lòng thấy thương Việt Nam quá không chịu được. Tôi biết là có ngày mình sẽ trở về nơi đây!”- anh nói.

45 năm một giấc mơ

Tôn Thất An đã suy nghĩ khá lâu để trả lời câu hỏi: tại sao lại là thời điểm này cho sự trở về? “Với văn chương, văn hóa Pháp, tôi thậm chí nghĩ mình còn giỏi hơn nhiều người Pháp vì ba mẹ tôi là những người đọc sách và nghiên cứu sách. Nhưng cũng chính vì càng sống nhiều, tìm hiểu nhiều tôi lại càng nhận ra mình không thuộc về nền văn hóa này!”.

Anh nói về quá trình trở về như thế. Và giải thích: “Tôi thích những gì thuần châu Á. Năm 30 tuổi, tôi đã xách balô qua Nhật, Hong Kong, Trung Quốc, Ðài Loan. Tại mỗi nơi tôi ở lại khoảng vài năm và tìm cách liên kết với những bạn bè có chung sở thích để làm nhạc, thực hiện những live show kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau”.

Việt Nam lần này cũng nằm trong ý tưởng kết nối văn hóa châu Á ấy của Tôn Thất An, nhưng dĩ nhiên sự kết nối này mạnh mẽ hơn gấp bội bởi dòng máu Việt chảy nóng ấm trong anh…

Trước mắt, anh sẽ trở lại Việt Nam vào khoảng cuối năm nay để chuẩn bị cho một loạt dự án: hợp tác cùng đạo diễn Tuấn Lê (đạo diễn của À Ố show) với các chương trình tại Nhà hát TP; hợp tác cùng vũ đoàn Arabesque của biên đạo Tấn Lộc với các show múa đương đại kết hợp với nhiều loại hình khác nhau mà trong buổi biểu diễn vừa qua tại Nhạc viện TP, khán giả đã phần nào làm quen khi thưởng thức anh chơi đàn để các nghệ sĩ múa tương tác trên nền thơ Hàn Mặc Tử.

Hợp tác cùng biên đạo John Huy Trần để thực hiện các MV về Sài Gòn mà trong đó anh sẽ là người viết nhạc cũng đã nằm trong kế hoạch. Những dự án đa dạng và nhiều màu sắc ấy cũng giống như chính con người anh trong công việc: vừa là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ kiêm ca sĩ, vừa là một pianist, một biên kịch sân khấu, một đạo diễn cho những MV ca nhạc của mình.

Có lẽ chính vì sự tự do phóng khoáng trong phong cách mà Tôn Thất An đã chọn trip-hop (dòng nhạc mang tính thể nghiệm những điều mới mẻ, pha trộn tất cả những dòng nhạc từ cổ điển đến hip – hop) làm phong cách âm nhạc riêng của chính mình.

Trong số những ca khúc tiếng Anh, những bản nhạc piano được anh đăng tải trên Soundcloud – hệ thống tải nhạc miễn phí dành cho những nghệ sĩ phổ biến nhất hiện nay, Tôn Thất An còn tập tành phối lại và hát bằng tiếng Việt hai ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Rừng xưa đã khép Một ngày như mọi ngày.

Anh nhớ lại: “Tìm được hai bài hát này tôi rất thích và mạnh dạn làm một bản phối mới theo phong cách của mình. Sau đó tôi có email qua lại để xin phép nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng chúng trong album đầu tay. Thật ngạc nhiên là ông hoàn toàn đồng ý! Nhưng rất tiếc, album chưa kịp ra mắt thì nhạc sĩ đã qua đời. Vì vậy tôi chỉ giữ lại như một kỷ niệm đẹp mà không đưa vào trong album”.

By Minh Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Time limit is exhausted. Please reload CAPTCHA.