Đức Bình
Đối với giới yêu nhạc tại Việt Nam, thuật ngữ nhạc Trip Hop dường như có vẻ rất xa lạ. Nếu điểm qua một số trang web thời sự âm nhạc trong nước cũng như hải ngoại, chúng ta khó có thể tìm thấy những tài liệu viết bằng tiếng Việt về thể loại âm nhạc này.RFI mời quý vị cùng nhạcsĩ Tôn Thất An khám phá thêm những giai điệu mới lạ của dòng nhạc Trip Hop.
Quả thực, với “goût” âm nhạc như kiểu người Việt chúng ta thường nghe, thì không phải ai cũng sẵn sàng mở lòng để đón chào nhạc Trip Hop, một thể loại âm nhạc được xem như rất khó định nghĩa, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách hiểu, cách thẩm thấu theo trào lưu âm nhạc của từng quốc gia khác nhau.
Nhạc Trip Hop ra đời vào đầu thập niên 90 tại Anh Quốc. Đó là thể loại nhạc dựa trên tiết tấu của Hip Hop, được lồng ghép với hầu hết các trường phái âm nhạc phổ biến khác như Jazz, Blues, nhạc điện tử, nhạc phim, nhạc quảng cáo, nhạc Soul, Rock hay thậm chí cả nhạc cổ điển vv…
Với thời gian, phong trào nhạc Trip Hop ngày càng trở nên quen thuộc và phát triển theo nhiều hình thái đa dạng, đặc biệt tại Châu Âu. Một trong số những khuôn mặt tiêu biểu của dòng nhạc này phải kể đến nhóm Massive Attack, hay nhóm Archive của Anh Quốc, và đặc biệt là nữ ca sĩ Björk, người gốc Ai-len mà công chúng yêu điện ảnh Việt Nam đã từng biết đến Björk trong bộ phim ca nhạc “Dancer in the dark and Selmasongs”
Trong chuyên mục lần trước, Góc Vườn Âm Nhạc của đài RFI đã giới thiệu với quý vị và các bạn chân dung nhạc sĩ Tôn Thất An, một trong những thế hệ trẻ gốc Việt Nam, sinh ra và trưởng thành tại Pháp, qua đó giúp chúng ta có thêm những cảm nhận mới mẻ về giới trẻ gốc Việt làm công tác âm nhạc trong sự hội nhập với nền văn hóa bản xứ.
Tạp chí tuần này, mời quý thính giả tiếp tục trò chuyện với Tôn Thất An để cùng khám phá thêm những giai điệu mới lạ của dòng nhạc Trip Hop.
RFI : Một điều nghịch lý là anh sinh trưởng tại Pháp, nhưng trong 2 CD nhạc của anh, người ta không thấy một ca khúc nào viết bằng tiếng Pháp, phải chăng tiếng Pháp không được “sexy” cho lắm với dòng nhạc Trip Hop ?
TTA : Sự thực tôi cũng đã viết một số ca khúc bằng tiếng Pháp, nhưng chủ yếu cho người khác hát. Tuy nhiên so với thể loại nhạc Trip Hop mà tôi đang theo đuổi thì viết lời bằng tiếng Anh vẫn hay hơn, đó cũng là thành quả của những năm tháng tôi theo học tiếng Anh tại đại học Sorbonne. Tôi cũng đã thử viết lời tiếng Pháp cho phong cách nhạc này, tuy nhiên kết quả không được hài lòng lắm. Thực ra khi viết nhạc, tôi không nghĩ mình bị chi phối hay ảnh hưởng từ một yếu tố nào đó, chỉ biết rằng âm nhạc mình viết là xuất phát từ chính con người mình. Có nhiều người nghe nhạc của tôi, người này thì cảm nhận thấy bộ gõ có phần hao hao giống phong cách Nhật Bản, người kia thì thấy giai điệu man mác mang âm hưởng Trung Hoa… Họ có thể phân tích nhiều khía cạnh nếu họ muốn, nhưng với tôi thì âm nhạc xuất phát tự nhiên như thế, và hiện hữu như vậy.
RFI : Gần đây anh vừa cho ra mắt Album nhạc thứ 2 với tựa đề “Hyperbody”, việc giới thiệu và quảng bá album nhạc này đang diễn ra thế nào ?
TTA : Hiện tại tôi đang tìm nhà phân phối cho album nhạc thứ 2 này. Về phương diện âm nhạc, tôi kết hợp thể loại Rock nhiều hơn so với CD nhạc đầu (Circlesong), vì đó cũng là thể loại mà tôi muốn vươn tới. Tuy nhiên tôi vẫn duy trì phong cách pha trộn giữa các nhạc cụ truyền thống Châu Á, với nhạc cụ điện tử như guitare, basse, trống…, vấn giữ cấu trúc của ca khúc, có phần nghiêng về Rock nhiều hơn và kết hợp với các chất liệu khác.
RFI : Thời gian qua, người ta thấy anh vẫn đi lại giữa Pháp và Đài Loan, và từ hơn 6 tháng qua, anh sống chủ yếu bên Đài Loan, lần này gặp anh tại Paris quả là một duyên ngộ rất tình cờ, vậy việc anh sang Đài Loan là vì có các dự án âm nhạc nào đó hay chỉ là mục đích cá nhân ?
TTA : Vâng, trước hết đó là sự lựa chọn mang tính cá nhân, nhưng về âm nhạc thì Đài Loan cũng là đảo quốc rất tiên phong, như nhạc Pop chẳng hạn, hầu hết những ca sĩ nhạc Pop tên tuổi ở Châu Á là đến từ Đài Loan. Đời sống văn hóa ở đây cũng rất phong phú, đa dạng, rất nhiều nhà hát, nhiều nhóm kịch nghệ, múa vv… So với một vài lãnh thổ khác thì tôi thấy Đài Loan là một trong số những đảo quốc năng động nhất về phương diện văn hóa, Đài Loan cũng có rất nhiều trao đổi văn hóa với Pháp, tất nhiên là không thể so sánh được những cường quốc lớn hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
RFI : Tuần vừa rồi gặp anh tại Paris trong một bối cảnh khá đặc biệt, tôi có may mắn được xem một vở múa đương đại mang tựa đề NINA “Sacrifice matérialisé” – tạm dịch là “Tế Vật”, do các nghệ sỹ múa trẻ của Nhật Bản trình diễn ngay chính tại Nhà Văn Hóa riêng của họ tại thủ đô Paris, (Nhà Văn Hóa Nhật Bản) nằm kề ngay dưới chân tháp Eiffel, tôi rất khâm phục tài năng biên đạo của nhà biên đạo múa trẻ người Nhật Jo Kanamori, nhưng điều đặc biệt là phần nhạc do Tôn Thất An đảm nhiệm, anh thực sự đã hoàn thành xuất sắc hơn 60 phút âm nhạc cho vở múa trong tiếng vỗ tay ngập tràn của khán giả Paris khi anh lên sân khấu chào lúc kết thúc. Việc sáng tác nhạc cho cả một vở múa dài khác biệt thế nào với những đoản khúc nhạc như anh đã cho ra mắt ở 2 Album nhạc Circlesong và Hyperbody ?
TTA : Vâng, tất nhiên là rất khác biệt, khi viết nhạc cho các vở múa đương đại hay cho sân khấu, tôi hoàn toàn tự do thể hiện mình mà không hề có cấu trúc gò bó nào phải tuân thủ cả, chỉ đơn thuần là sáng tác dựa theo cảm xúc của mình, như một cuộc du ngoạn vậy. Khi hợp tác với Jo Kanamori tôi cũng hoàn toàn được tự do thể hiện phong cách của mình. Tất nhiên là Jo Kanamori cũng đưa cho tôi một vài chỉ dẫn về hình thái sân khấu mà anh ấy mong muốn, sau đó tôi tự viết phần nhạc theo cảm nhận của riêng mình, tôi phụ trách phần nhạc, Jo Kanamori thì lo về phần biên đạo và dàn dựng múa, thế rồii cả hai đều rất ăn khớp.
RFI : Trước khi chia tay với thính giả của đài RFI, anh có thể cho biết những dự án âm nhạc sắp tới của anh là gì ? Tập trung viết nhạc cho các vở diễn hay là sáng tác album ?
TTA : Nói chung là cả 2, hiện tại tôi đang chuẩn bị viết nhạc cho một vở ca kịch cùng với một nữ nghệ sỹ tên là Isabelle THOMAS – cũng là người đã từng cộng tác với tôi tại công ty múa Nhật Bản “Noism”. Vở ca kịch này sẽ được dàn dựng tại Hồng Kông, song ngữ Pháp Trung, có thể thêm cả tiếng Nhật nữa, nghĩa là sẽ được chuyển thể và thông dịch sang từng thứ tiếng. Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục giới thiệu album nhạc thứ 2 của mình “Hyperbody” và hợp tác chặt chẽ với biên đạo múa Nhật Bản Jo Kanamori, nhưng có lẽ sẽ vào khoảng sau năm 2012
RFI : Ban việt ngữ đài RFI xin cảm ơn nhạc sĩ trẻ Tôn Thất An đã nhận lời tham gia chuyên mục tuần này.
THỨ BẢY 15 THÁNG GIÊNG 2011